Đánh giá kết quả đào tạo tiếng Anh chương trình tiên tiến

[SIE] Việc đào tạo thuần túy tiếng Anh cho sinh viên chương trình tiên tiến (CTTT) trong năm thứ nhất khác với đào tạo cho sinh viên chương trình truyền thống bằng tiếng Việt. Cho nên cần xem xét các đặc thù của đào tạo ngoại ngữ như thời lượng tiết học, nội dung chương trình, sức khỏe,  các hoạt động tập thể, ngoại khóa, câu lạc bộ, thi olympic…nhằm thu hút sinh viên, tạo phong trào học tiếng Anh hiệu quả, lan tỏa. Cần rà soát lại điều kiện tiếng Anh đối với sinh viên CTTT theo các năm học.

Nguyễn Hồng Nam

I) ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay số lượng sinh viên chương trình tiên tiến (CTTT) của tất cả các khóa học (từ khóa 52 đến 56)  là  427 sinh viên.  Hai khóa sinh viên CTTT đã tốt nghiệp bao gồm 50NK và 51NK có tổng số 50 sinh viên ngành kỹ thuật tài nguyên nước. Thống kê số lượng sinh viên chương trình tiên tiến từ khóa 50 đến khóa 56 cho thấy số lượng sinh viên CTTT tăng hơn hai lần trong hai năm tuyển sinh gần đây 2013 và 2014 (SIE, 2014). Số lượng sinh viên phân bố tương đối đều giữa hai ngành học là kỹ thuật tài nguyên nước (KTTNN) và kỹ thuật xây dựng (KTXD).

Tiếng Anh được giảng dạy cho sinh viên CTTT trong các năm học thứ 1 (Học kỳ 1 và 2) và năm học thứ 2 (Học kỳ 3) hoặc năm học thứ 3 (học kỳ 6). Trong năm thứ nhất, sinh viên được học 4 môn học kỹ năng bao gồm: nghe (4TC), nói (4TC), đọc (4TC), viết (4TC)  và môn tiếng Anh chuyên ngành (3TC). Tổng số tín chỉ các môn học tiếng Anh trong năm thứ nhất là 19TC.   Năm thứ hai, sinh viên học thêm môn viết luận 1 (3TC) đối với ngành KTXD. Năm thứ ba, sinh viên học thêm môn kỹ năng viết nâng cao (3TC) đối với ngành KTTTN.     

Chuẩn đầu ra tiếng Anh tối thiểu đối với sinh viên CTTT khi tốt nghiệp là 500 điểm TOEFL theo quyết định số 1132/QĐ-ĐHTL ngày 12/8/2014.  Trong đó, yêu cầu tiếng Anh đối với sinh viên sau năm học thứ nhất phải đạt điểm TOEFL tối thiểu 450 điểm hoặc tương đương và sau năm thứ hai phải đạt điểm TOEFL tối thiểu 500 điểm hoặc tương đương. Yêu cầu tiếng Anh này được sử dụng để xét điều kiện tiếp tục học đối với sinh viên. Cuối mỗi năm học, những sinh viên đạt điều kiện về tiếng  Anh theo quy định nói trên được tiếp tục theo học Chương trình tiên tiến.

Vấn đề cần quan tâm khi xét học vụ cho sinh viên CTTT năm thứ nhất, trong đó kết quả tiếng Anh của một số sinh viên có điểm trúng tuyển trên mức điểm sàn nhưng không đạt chuẩn tiếng Anh năm thứ nhất theo quy định của nhà trường là 450 điểm. Mức điểm 450 này được điều chỉnh từ mức thấp hơn trước đây là 420 điểm sau khi sinh viên học xong năm thứ nhất. 

Mục đích bài báo nhằm giải quyết hai vấn đề sau đây:  1) Đánh giá mối tương quan giữa kết quả đào tạo môn tiếng Anh với kết quả đào tạo các môn học chuyên môn  2)   Đề xuất các giải pháp tăng cường chất lượng đào tạo tiếng Anh. 

 II) ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 

Nghiên cứu được thực hiện đối với 340 sinh viên của 11 lớp kể từ khóa 50 cho đến khóa 55. Khóa 56 gồm 119 sinh viên mới vào trường, chưa có kết quả học tập tiếng Anh nên không được đánh giá trong nghiên cứu này.   Cơ sở dữ liệu được lấy từ phần mềm quản lý điểm do phòng đào tạo, ĐHTL quản lý do các chuyên viên phòng quản lý đào tạo quốc tế thực hiện.  Phân tích số liệu theo phương pháp thống kê, sử dụng phần mềm Origin của công ty Microcal, Mỹ.

III) KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

 Hình 1 cho thấy quan hệ giữa điểm trúng tuyển đại học (chưa cộng điểm ưu tiên) với điểm thi TOEFL cao nhất trong toàn thời gian học tập của sinh viên. Mỗi sinh viên có thể tham gia nhiều kỳ thi TOEFL do TTĐTQT tổ chức cho đến khi đạt chuẩn đầu ra về tiếng Anh của nhà trường.

Hình 1.  Quan hệ giữa điểm trúng tuyển đại học với điểm thi TOEFL cao nhất (SIE, 2014)

Có 8 lớp được khảo sát từ khóa 50 đến 54, trong đó có 2 lớp đã tốt nghiệp là 50NK và 51NK.  Kết quả phân tích đối với lớp 50NK cho thấy: tương quan giữa điểm trúng tuyển đại học với điểm thi TOEFL cao nhất của lớp 50NK được mô phỏng dưới dạng sau:  
 
Y=483.98212+1.76715X, trong đó: X là điểm trúng tuyển đại học,  Y là điểm TOEFL cao nhất. 

Như vậy từ tương quan nói trên có thể thấy rằng với điểm chuẩn vào hệ chương trình tiên tiến là 15 thì điểm TOEFL cao nhất trung bình cho lớp 50NK là 511 điểm. Kết quả này cao hơn mức chuẩn đầu ra tiếng Anh của chương trình tiên tiến hiện nay là 500 điểm. Phân tích tương tự đối với các lớp khác cho thấy với điểm chuẩn vào CTTT là 15 thì điểm TOEFL cao nhất trung bình là 506, cao hơn chuẩn đầu ra tiếng Anh hiện nay. Nhìn chung chuẩn đầu ra 500 điểm TOEFL là phù hợp đối với số lượng sinh viên được khảo sát.

Phân tích cũng cho thấy các tương quan cho kết quả điểm TOEFL lớn nhất trung bình của sinh viên ngành KTTTN cao hơn một chút so với điểm của sinh viên ngành KTXD. Trong tất cả các khóa học, lớp 52NKN có kết quả cao nhất về điểm TOEFL lớn nhất trung bình (516). Đây là phát hiện khác quan niệm trước đây cho rằng lớp 50NK có kết quả thi tiếng Anh cao nhất (SIE, 2014). 
 
Đối với khóa 55, trừ một trường hợp đặc biệt xuất sắc (điểm TOEFL đạt 647), các kết quả tiếng Anh của khóa 55 nhìn chung thấp hơn các kết quả tiếng Anh của các khóa trên vì thời gian học của khóa này còn ngắn, mới qua 2 học kỳ, sinh viên còn nhiều cơ hội thi nâng điểm TOEFL. Kết quả thi tiếng Anh TOEFL của các lớp được cải thiện sau một số lần thi (SIE, 2014).

  

Hình 2.  Quan hệ giữa điểm trúng tuyển đại học với điểm thi TOEFL cao nhất (SIE, 2014). 

Kết quả phân tích giữa điểm TOEFL cao nhất và điểm trung bình chung học tập của các lớp thuộc khóa 50 đến 55 được thể hiện trong Hình 2. Điểm trung bình chung học kỳ là điểm trung bình có trọng số của các học phần mà sinh viên đăng ký học trong học kỳ đó với trọng số là số tín chỉ tương ứng của từng học phần. Các kết quả riêng cho từng khóa từ 50 đến 55 được phân tích chi tiết (SIE, 2014).  Nhìn chung kết quả tiếng  Anh chưa phản ánh chính xác khả năng học tập chuyên môn. Tuy nhiên, đối với những sinh viên có khả năng tiếng Anh thật sự xuất sắc thì điểm trung bình chung học tập rất cao.

IV) KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ    

Số lượng sinh viên chương trình tiên tiến ngày càng tăng điều đó chứng tỏ sức hút của loại hình đào tạo này. Hai chương trình nhập khẩu của Đại học bang Colorado (ngành kỹ thuật tài nguyên nước) và ĐH Arkansas (ngành kỹ thuật xây dựng) có nhiều lợi thế cạnh tranh trước các yêu cầu thực tiễn.    

Chuẩn đầu ra tiếng Anh 500 điểm TOEFL là phù hợp đối với số lượng sinh viên được khảo sát. Nhìn chung kết quả tiếng Anh chưa phản ánh chính xác khả năng học tập chuyên môn.

Việc đào tạo thuần túy tiếng Anh cho sinh viên  trong năm thứ nhất khác với đào tạo cho sinh viên chương trình truyền thống bằng tiếng Việt. Cho nên cần xem xét các đặc thù của đào tạo ngoại ngữ như thời lượng tiết học, nội dung chương trình, sức khỏe,  các hoạt động tập thể, ngoại khóa, câu lạc bộ, thi olympic…nhằm thu hút sinh viên, tạo phong trào học tiếng Anh hiệu quả, lan tỏa. 

Cần rà soát lại điều kiện tiếng Anh đối với sinh viên chương trình tiên tiến theo các năm học một cách hiệu quả hơn. Tăng cường chất lượng đào tạo tiếng Anh cho sinh viên là chìa khóa đảm bảo thành công.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO  

SIE(2014). Báo cáo kết quả đào tạo tiếng Anh chương trình tiên tiến (bản thảo lần 1), 20 tr (lưu hành nội bộ).