An ninh nguồn nước và chiến lược phát triển nguồn nhân lực tài nguyên nước

Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành nước chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ hội để các nhà khoa học tiếp cận đến các vấn đề toàn cầu còn rất rộng mở.

Do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm cả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Trong khi đó, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống tiếp tục tăng nhanh đã và đang đe dọa đến an ninh nguồn nước ở Việt Nam.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết: Việt Nam có hơn 2.360 con sông, 108 lưu vực sông, trong đó có 16 lưu vực sông, với diện tích lưu vực lớn hơn 2.500 km2. Tổng lượng nước mặt trung bình vào khoảng 830 tỷ m3/năm (nguồn nước dưới đất khoảng 63 tỷ m3/năm) và tập trung chủ yếu trên một số lưu vực sông lớn. Tuy nhiên, khoảng 63% tổng dòng chảy sông ngòi Việt Nam đến từ các nước láng giềng, riêng với khu vực sông Mê Công, tỷ lệ này đã chiếm tới 90% và lưu vực sông Hồng là hơn 50%.


 
Thay đổi dòng chảy các con sông ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu


Đáng chú ý, theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia được coi là thiếu nước nếu không đạt 4.000 m3/người/năm. Với dân số Việt Nam như hiện nay, bình quân đầu người Việt Nam chỉ nhận được khoảng 3.370 m3/người/năm từ nguồn nước nội sinh. Trong khi đó, phần lớn người dân Việt Nam vẫn suy nghĩ nguồn nước là vô tận, chưa hiểu đúng về vai trò của nước và mối nguy hại khi thiếu nước. Ngay như đồng bằng sông Cửu Long, cơ cấu sử dụng nước cho nông nghiệp chiếm khoảng 75%, cho nên nếu ý thức về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước không được đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh nguồn nước. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không chỉ còn là dự báo, mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng, miền khắp cả nước…
 


Hạn hán - Ảnh: Internet


Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, các tác động bất lợi nêu trên sẽ gia tăng lên một mức độ báo động cao hơn, trầm trọng hơn. Nhiều vấn đề về tài nguyên nước hiện chỉ tiềm ẩn ở dạng các nguy cơ, thì có thể trở thành hiện thực nhanh hơn. Tác động của BĐKH đến Việt Nam mang tính toàn diện. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình của nước ta khá đa dạng, phong phú, vì thế tác động của BĐKH đến mỗi vùng miền có những đặc điểm và mức độ khác nhau. Như khu vực đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền trung thời gian qua phải chịu các đợt khô hạn kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn đã gây nên hạn hán và lũ lụt; đồng thời còn chịu tác động của vấn đề nước biển dâng, bão lụt dẫn đến ngập mặn và sạt lở bờ biển.
Còn tại Nam Bộ, đây là khu vực khá bằng phẳng với địa chất yếu và khá thấp, dễ bị ngập lụt và xâm nhập mặn, trong khi đó khu vực này là vùng có lượng mưa ở mức trung bình, nhưng nguồn nước bổ sung từ nước ngoài về khá lớn. Mực nước biển dâng cao như dự báo vào năm 2030 sẽ có khoảng 45% diện tích tại khu vực này có nguy cơ nhiễm mặn cực độ; năng suất lúa sẽ giảm khoảng 9% so với hiện nay…


 
Ngập lụt - Ảnh: Internet


Ngoài ra, hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng, trong đó tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung Bộ và sụt lún làm ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do chất thải hữu cơ và vô cơ, dư lượng thuốc hóa học dùng trong nông nghiệp, rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện... làm hạn chế việc điều tiết nguồn nước. Dự báo, đồng bằng sông Cửu Long có 828 nghìn ha đất bị nhiễm mặn; vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có gần 2,3 triệu ha bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở; vùng duyên hải Nam Trung Bộ có gần 56 nghìn ha đất bị nhiễm mặn, 759 nghìn ha bị hoang hoá, sa mạc hóa trong những thập kỷ tới.
Trong các báo cáo về tài nguyên nước trên thế giới đều chỉ rõ rằng nước đang ngày càng trở thành nguồn tài nguyên tự nhiên khan hiếm ở nhiều nơi trên thế giới và không thể coi đó là điều hiển nhiên. Do các tác động như tăng dân số, di cư nông thôn, đô thị hóa, không sử dụng nước hợp lý, ô nhiễm đã tạo ra sự căng thẳng về nguồn nước hiện có. Điều này có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do những tác động của biến đổi khí hậu sẽ gây nguy hiểm cho an ninh nước trong tương lai nếu các hành động khắc phục không được thực hiện. Do đó, tạo ra một xã hội an toàn nước là một trong những ưu tiên hàng đầu của các chính phủ và nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu.


 
Toàn cảnh hội thảo tại Trường Đại học Thủy lợi


Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) phối hợp với Trường Đại học Thủy Lợi (TLU) tại Việt Nam và Đại học Trung tâm Rajasthan (CURAJ) cùng với sự hỗ trợ của Mạng lưới Châu Á - Thái Bình Dương (APN) cho Nghiên cứu Thay đổi Toàn cầu đã thực hiện dự án nghiên cứu xây dựng một khung hoạt động để đánh giá an ninh nguồn nước ở các quy mô không gian khác nhau và áp dụng khung đánh giá này cho ba vùng nghiên cứu được lựa chọn tại Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Thủy lợi sáng ngày 12/12/2017.
Tại Việt Nam, vùng nghiên cứu của dự án sẽ tập trung vào lưu vực sông Hồng, và thành phố Hà Nội. Trên cơ sở xem xét tài liệu đầy đủ, một khuôn khổ ban đầu để đánh giá an toàn nước ở lưu vực và quy mô thành phố đã được đề xuất. Tuy nhiên, dự án nhận thấy rằng bất kỳ hình thức đánh giá an ninh nước nào cũng không đầy đủ mà không tính đến quan điểm và ý kiến của nhiều bên liên quan và trong các lĩnh vực.
Hội thảo này được tổ chức để tạo cơ sở cho các bên liên quan đến các lĩnh vực khác nhau ở lưu vực sông Hồng và thành phố Hà Nội thảo luận, cân nhắc các vấn đề khác nhau quan hệ mật thiết đến vấn đề an ninh nước. Hy vọng rằng các cuộc thảo luận liên ngành trong hội thảo sẽ cung cấp ý kiến trong việc quyết định cách tiếp cận toàn diện và mạnh mẽ hơn để đánh giá an ninh nước ở các quy mô không gian khác nhau.


 
GS.TS Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi


Phát biểu tại buổi Hội thảo trước các học giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau và các nhà khoa học trong nước, GS.TS Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết "Từ năm 2015 Trường Đại học Thủy lợi đã hợp tác với Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) và Trường Đại học Rajasthan (CURAJ) - Ấn Độ, dưới sự bảo trợ của Mạng lưới Châu Á - Thái Bình Dương (APN) đã triển khai dự án nghiên cứu xây dựng một khung chỉ số an ninh nguồn nước với các cấp độ khác nhau cho khu vực Châu Á, và thử nghiệm cho 3 vùng ở Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Đây là đợt Hội thảo cuối cùng để báo cáo kết quả nghiên cứu, đồng thời xin ý kiến góp ý của các chuyên gia liên ngành về xây dựng khung đánh giá chung về chỉ số an ninh nguồn nước cho khu vực Châu Á"
Với mục đích thông qua cuộc hội thảo, các nhà khoa học sẽ trình bày và thảo luận khung đánh giá an ninh nguồn nước với các chuyên gia thuộc các đơn vị nghiên cứu, cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước. Đồng thời, các nhà nghiên cứu xin ý kiến chuyên gia để thiết lập tiêu chuẩn tham chiếu cho từng chỉ tiêu của khung đánh giá an ninh nguồn nước.


 
Giáo sư Mukand S. Babel, Giáo sư về Kỹ thuật và Quản lý nước Viện Kỹ thuật Châu Á


Tại buổi hội thảo, Giáo sư Mukand S. Babel, Giáo sư về Kỹ thuật và Quản lý nước Viện Kỹ thuật Châu Á trình bày về khái niệm an ninh nước và bối cảnh chung của nó liên quan đến tầm quan trọng, nhu cầu và cách tiếp cận tích cực cho sự phát triển bền vững. Ông đã đưa ra đề cương về dự án rằng chỉ số an toàn nước hoạt động như thế nào và đóng vai trò bắt buộc trong bối cảnh bền vững hiện nay. Ông đã thảo luận về các mục tiêu của dự án như xây dựng một khuôn khổ hoạt động để đánh giá an ninh nước ở lưu vực và thành phố và thể hiện việc áp dụng khuôn khổ tại các khu vực nghiên cứu được lựa chọn ở Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Giáo sư Babel chia sẻ chương trình nghị sự của hội thảo với các bên liên quan và yêu cầu họ tham gia để làm cho dự án thành công.


 
PGS –Nguyễn Mai Đăng - Trường Đại học Thủy lợi


Tại đây, PGS Nguyễn Mai Đăng - Trường Đại học Thủy lợi trình bày khung đánh giá an ninh nguồn nước cấp thành phố - Ứng dụng cho Thành phố Hà Nội. Báo cáo đã đánh giá về tình hình khai thác và cấp nước. Theo PGS, các hệ thống khai thác nhỏ lẻ cấp nước cho các nhà máy, bệnh viện, trường học, các cơ sở vũ trang, các cơ quan và hộ gia đình ở các vùng nông thôn không được quản lý nên việc khai thác vẫn mang tính đơn lẻ và không chuyên nghiệp. Số lượng các giếng khoan, giếng đào tự phát để cấp nước sinh hoạt cho các hộ gia đình với lượng khai thác khoảng 0.3-0.5m3/ngày. Theo một số đánh giá năm 2015, 99% dân số ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 40% dân số được sử dụng nước sạch. Trong đó chỉ có 7.7% được cấp nước từ các trạm cấp nước được đầu tư từ thành phố. Do sự phát triển nhanh của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng dẫn tới sự thay đổi về các điều kiện bề mặt, hướng tập trung dòng chảy, giảm lượng tổn thất thấm và tăng lượng nước cần tiêu thoát. Hệ thống tiêu thoát không bắt kịp với sự phát triển của thành phố, thêm vào đó là các ao hồ bị lấp và không gian xanh suy giảm dẫn tới hiện tượng ngập lụt trở nên ngày càng nghiêm trọng trong thành phố.
Hàng năm, thành phố Hà nội tổ chức hội thảo báo cáo về tình hình phòng chống thiên tai và rút ra các bài học kinh nghiệm từ những năm trước đồng thời triển khai thực hiện nhiệm vụ tới các ban, ngành, cơ sở trong toàn thành phố.


 
Các nhà khoa học thảo luận nhóm chuyên đề


PGS Nguyễn Mai Đăng nhận định, thành phố Hà nội có mạng lưới sông dày đặc với nhiều nhánh thuộc hệ thống sông Hồng. Các hồ tự nhiên nằm rải rác trong thành phố. Tuy nhiên, các dòng sông và hồ này cũng bị ô nhiễm nặng bởi các chất hữu cơ và độ đục cao do các hoạt động xả thải và khai thác cát trong những năm gần đây. Một vài khu vực vẫn đảm bảo chất lượng tốt thường là các khu dân cư thưa với lượng nước xả thải ít. Trong báo cáo này, PGS. Nguyễn Mai Đăng đã giới thiệu về khung đánh giá an ninh nguồn nước cho lưu vực sông và ứng dụng cho lưu vực sông Hồng.
Một nhận định mà các Nhà khoa học nêu ra trong buổi hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm đó là việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực để nghiên cứu, quản lý nguồn nước phục vụ cho sự phát triển bền vững. Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành nước chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ hội để các nhà khoa học tiếp cận đến các vấn đề toàn cầu còn rất rộng mở. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, song mới chỉ giải quyết được một phần nào đó cho những diễn biến không ngừng thay đổi của những yếu tố ngoại biên.
Chính vì vậy, đòi hỏi xã hội cần nhiều hơn nữa những nhà khoa học đủ tầm để giải quyết những vấn đề về an ninh nguồn nước. Các nhà khoa học cũng mong muốn, Trường Đại học Thủy lợi là một trường đại học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước cần có những giải pháp, những chiến lược mang tính quốc gia để có thể đào tạo ra những nhà khoa học giỏi. Hơn nữa, cơ hội sau khi tốt nghiệp của những kỹ sư lĩnh vực này là rất lớn, đòi hỏi các kỹ sư tương lai cần nâng cao hơn nữa năng lực để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực ngành đặt ra.
Nhìn chung, hoạt động quản lý nguồn nước ngày càng được tăng cường và đạt được những kết quả quan trọng trong hệ thống quản lý từ cấp trung ương đến địa phương. Các cơ quan quản lý nguồn nước cũng được giao các quyền và nâng cao năng lực đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới. Nhiều thể chế, quy định v.v..liên quan đến tài nguyên nước cũng được công bố, tạo hành lang cho chức năng quản lý và thi hành về tài nguyên nước xuyên suốt. Sắp xếp về tổ chức cũng được chú trọng.Việc đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực trong quản lý tài nguyên nước cũng được quan tâm, chú trọng và kiên định ở tất cả các cấp.


Thực hiện: Bình Dương, Ảnh: Trung Dũng