Hội nghị Quản lý an toàn đập và hồ chứa nước thủy lợi

Để chủ động ứng phó với các diễn biến thất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn hồ chứa nước thủy lợi trong mùa mưa bão 2018, ngày 28/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Quản lý an toàn đập và hệ thống hồ chứa nước thủy lợi.

Tham dự và chủ trì hội nghị là ông Hoàng Văn Thắng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các đại biểu đến từ Sở Nông nghiệp và PTNT địa phương, các doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi.

Việt Nam với điều kiện tự nhiên thuận lợi, rất nhiều hồ chứa đã được Nhà nước và nhân dân xây dựng trong nhiều năm qua. Theo số liệu thống kê, cả nước đã đầu tư xây dựng 6.648 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 702 hồ chứa lớn. Hồ chứa nước thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần ổn định phát triển bền vững tài nguyên nước.

Tuy nhiên, phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều là đập đất, xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư, tuổi đời đã quá lâu nên đã xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Hiện cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, chỉ tính riêng trong năm 2017, đã xảy ra sự cố ở 23 hồ, đập trên địa bàn 11/45 tỉnh có hồ.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, tình hình an toàn đập trong những năm vừa qua diễn biến hết sức nghiêm trọng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực quản lý rủi ro an toàn đập, nhưng cũng rất may là chưa có sự cố ảnh hưởng đến con người. Với bối cảnh thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, với sự điều tiết của rừng cũng suy giảm, việc đảm bảo an toàn đập luôn đòi hỏi phải có hành động cụ thể và triển khai sâu rộng. Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị với thời điểm đã rất cận kề với mùa mưa lũ, Thứ trưởng mong rằng qua hội nghị này, các đại biểu sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm để trong khoảng thời gian hiện tại, chúng ta cần làm gì để đảm bảo công tác an toàn đập

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định diễn biến khí tượng thủy văn (KTTV) năm 2018 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường. Đặc biệt, nhiều đợt mưa lớn cục bộ nhiều khả năng xuất hiện trong thời đoạn ngắn. Các đợt mưa lớn diện rộng hoặc mưa gây lũ lớn cục bộ trong thời gian ngắn sẽ tiếp tục là nhân tố rất nguy hiểm cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa đang trong tình trạng bị hư hỏng, mất an toàn. Do đó, việc theo dõi thường xuyên diễn biến KTTV và các thông tin dự báo, cảnh báo KTTV theo các thời hạn dự báo khác nhau là cần thiết để sớm chủ động lập kế hoạch và các phương án vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa nước thủy lợi.

Nhận định diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và sự suy giảm của chất lượng rừng, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu, đối với những hồ, đập đã quá xuống cấp, Tổng cục Thủy lợi phải chủ động phương án không tích nước, thậm chí phải tính đến phương án phá đập tràn trước mùa mưa lũ. Về tổ chức bộ máy, cần chú trọng việc phân cấp quản lý trong bối cảnh địa phương, phải dành nguồn lực nhất định để củng cố năng lực quản lý sau đó phân cấp trở lại đúng hướng, nếu không đủ năng lực thì không phân cấp.

Bên cạnh đó, cần phải làm ngay việc thực hiện kiểm tra đánh giá tất cả các hồ đập. Các tỉnh lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk phải tổ chức kiểm tra, đánh giá khối lượng lớn các hồ đập trong vòng hai tháng, với các hồ đập có nguy cơ cao yêu cầu phải tập trung hơn. Về công tác thông tin truyền thông, Thứ trưởng yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du, thông tin đến người dân tác động khó lường của thời tiết, tác động của biến đổi khí hậu, những nguy cơ có thể phải đối mặt, hướng dẫn người dân cách ứng phó, đề nghị Tổng cục Thủy lợi có tài liệu hướng dẫn đơn giản để giúp địa phương làm tốt công tác truyền thông.

(NLA)

Nguồn: MARD