Những điều cần biết về bệnh Sốt xuất huyết

Bài viết do Trạm Y tế, ĐHTL cung cấp thông tin để các Thầy, Cô giáo, CB-CNV và các em sinh viên trong trường chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp.

Kính gửi  :  Các Thầy, Cô giáo, CB-CNV và các em sinh viên trường ĐH Thủy Lợi

           Hiện tại dịch Sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp. Để chủ động phòng chống dịch trạm y tế xin gửi tới Thầy, Cô giáo, CB-CNV và các em sinh viên trong trường bài viết "Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết".  - nội dung bài viết xin mở file đính kèm.

Kính thư,

Trạm Y tế

-----------------------------------------------------------------------------------------

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

I. Sốt xuất huyết là gì?

- Là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virut Dengue gây ra.

- Bệnh truyền nhiễm từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn đốt( dân gian gọi là muỗi hoa, muỗi đốm).

II Tại sao sốt xuất huyết lại nguy hiểm?

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vacwxin phòng bệnh và dễ dàng gây tử vong.

III .Làm sao biết người bị sốt xuất huyết?

Khi thấy các dấu hiệu sau:

- Thể nhẹ: sốt cao, đột ngột, liên tục, kéo dài từ 2- 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban.

- Thể nặng hơn có các dấu hiệu:

+ Xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

+ Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hoảng hốt.

IV. Làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?

Đưa ngay người bệnh tới các cơ sở y tế để khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý mua thuốc để điều trị.

V. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết:

- Muỗi màu đen, nhỏ, trên thân và chân có đốm trắng, thường gọi là muỗi vằn.

- Muỗi vằn thường trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn, màn.

- Muỗi vằn thường hút máu ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

- Muỗi đẻ trứng trong dụng cụ chứa nước như bể, chum vại, đồ phế thải có chứa nước, lọ hoa….

VI. Làm thế nào để phòng bệnh sốt xuất huyết

- Hãy tự bảo vệ mình bằng cách tránh để muỗi đốt (khi ngủ cần phải mắc màn kể cả ban ngày).

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi vằn. Đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết.

- Mỗi cá nhân và tập thể hãy dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, muỗi vằn, bảo vệ mình không bị sốt xuất huyết.

- Không có bọ gậy, không có muỗi, không có sốt xuất huyết.