Hội nghị khoa học thường niên của sinh viên Chương trình tiên tiến 2019

Hội nghị khoa học thường niên của sinh viên Chương trình tiên tiến được diễn ra vào 15/3/2019 tại khu hội thảo Trường Đại học Thủy lợi và sử dụng hoàn toàn bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Sinh viên chương trình tiên tiến thuyết trình đề tài hoàn toàn bằng Tiếng Anh

Đây là hoạt động thường niên được Trung tâm đào tạo quốc tế tổ chức định kì hàng năm. Năm nay, Hội nghị thu hút 5 đề tài nghiên cứu của sinh viên Chương trình tiên tiến. Các sinh viên tham gia nghiên cứu tập trung chủ yếu là sinh viên năm thứ 3, năm thứ 4 (Khóa 57 và Khóa 58).

Đặc thù riêng của Hội nghị báo cáo nghiên cứu khoa học sinh viên Chương trình tiên tiến khác hoàn toàn đối với sinh viên chương trình truyền thống đó là các bạn sinh viên viết báo cáo, thuyết trình, phản biện hoàn toàn bằng ngôn ngữ quốc tế (Tiếng Anh). Đây có thể nói là nét rất riêng của sinh viên Chương trình tiến tiến, có thể coi là một lợi thế nhất định cho các bạn trước các nhà tuyển dụng, các nhà khoa học trong và ngoài nước có thể đánh giá, nhìn nhận một cách khác đối với những ứng viên tuyển dụng trong tương lại.

Hội nghị đã nghe các nhóm đề tài trình bày về các nội dung của đề tài nghiên cứu trước hội đồng là các nhà khoa học, các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như: PGS. TS Nguyễn Mai Đăng – Trung tâm Đào tạo Quốc tế; PGS. TS Ngô Lê An – Khoa Thủy văn và Tài nguyên nước; TS Đinh Nhật Quang – Khoa Công trình; TS Lê Thị Thu Hiền – Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước; TS Lê Hải Trung – Khoa Kỹ thuật Biển. Hội nghị vinh dự được đón tiếp GS. TS Nguyễn Trung Việt – Phó hiệu trưởng cùng nhiều giảng viên, sinh viên quan tâm đến phong trào nghiên cứu khoa học tham dự.

Tại Hội nghị, nhóm sinh viên năm thứ 4: Đoàn Mai Hương, Trương Việt Hoàng, và Trần Đức Huy (lớp 57NKN) đã trình bày đề tài “Ứng dụng ANN để dự báo mực nước tại cống Xuân Quan trên sông Hồng” do PGS. TS Hồ Việt Hùng – Bộ môn thủy lực hướng dẫn. Theo nhóm nghiên cứu, Mô hình được thiết lập để dự báo mực nước tại cống Xuân Quan với dữ liệu là mực nước hàng giờ tại các trạm thủy văn trên hệ thống từ 2003-2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình ANN do nhóm đề xuất dự đoán chính xác mực nước theo thời gian thực, hơn nữa, mô hình này có thể được áp dụng để dự báo mực nước cho các con sông khác.

Một đề tài khác do nhóm sinh viên Vương Tài Chí, Vũ Anh Minh, và Nguyễn Minh Trí (lớp 57NKN) nghiên cứu “Phát hiện đường bờ biển dài hạn bằng hình ảnh vệ tinh: Nghiên cứu cho tỉnh Bình Thuận, Việt Nam”. Đề tài do TS Đinh Nhật Quang (Bộ môn Sức bên - Kết cấu) và PGS. TS Mai Văn Công (Bộ môn Công trình cảng đường thủy) đồng hướng dẫn. Nghiên cứu này cung cấp tổng quan chung về đường bờ và các yếu tố thay đổi đường bờ biển ở tỉnh Bình Thuận. Qua đây, cũng phát triển một phương pháp chung để phát hiện sự thay đổi đường bờ biển ở không gian và thời gian lớn bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh. Cách tiếp cận này có thể dễ dàng được sử dụng trong các khu vực nghiên cứu khác, nơi bãi biển có đặc thù riêng, và cũng có thể được điều chỉnh để ước tính các loại đường bờ biển khác trong tương lai.

Các Nhà khoa học, giảng viên, sinh viên đến tham dự buổi Hội nghị

Riêng sinh viên Nguyễn Khánh Linh (lớp 57NKN) lại đi theo hướng nghiên cứu về “Khai thác mực nước mặt bằng cảm biến quang dựa trên vệ tinh: Nghiên cứu cho tỉnh Quảng Trị, Việt Nam”. Đề tài do TS Đinh Nhật Quang (Bộ môn Sức bền - Kết cấu) và PGS. TS Ngô Lê An (Bộ môn Thủy văn và Tài nguyên nước) cùng hướng dẫn. Theo Khánh Linh: Phạm vi nước mặt sẽ được trích xuất bằng chỉ số nước quang phổ và được kiểm tra với các cảnh được tham chiếu thông qua đánh giá độ chính xác và với các vệ tinh khác nhau, chỉ số phổ tối ưu sẽ được khuyến nghị cho các mục đích cụ thể. Từ đây ta có thể đưa ra đánh giá thiệt hại và chính sách để ứng phó và khắc phục hậu quả của không chỉ lũ lụt mà cả mực nước mặt thiên tai khác. Đề tài được Hội đồng đánh giá rất cao và cho điểm cao nhất.

Nhóm sinh viên trình bày đề tài: “Ứng dụng ANN để dự báo mực nước tại cống Xuân Quan trên hệ thống sông Hồng”

Một nghiên cứu về sử dụng mô hình toán thủy lực MIKE 11 (của Đan Mạch) để đánh giá “Tác động  của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long” do sinh viên Trần Bá Hoàng Long (lớp 57CNK1) thực hiện với sự hướng dẫn của PGS. TS Nghiêm Tiến Lam (Bộ môn Quản lí tổng hợp vùng bờ biển). Trên cơ sở thừa kế mô hình của Viện KH Thủy lợi Miền Nam, sinh viên đã mô phỏng sự ảnh hưởng của các kịch bản biến đổi khí hậu và bước biển dâng theo dự báo của Bộ Tài nguyên & Môi trường đối với xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển khu vực nghiên cứu.

Ngoài ra có một nhóm sinh viên trẻ năm thứ 3 gồm Nguyễn Công Minh, Nguyễn Nhật Minh và Quách Đại Nam (lớp 58NKN) dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Mai Đăng (Trung tâm Đào tạo Quốc tế) đã nghiên cứu “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với cư dân các xã ven biển huyện Giao Thủy – Nam Định”. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp thống kê để xác định xu thế thay đổi một số yếu tố khí tượng thủy văn; thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát thực địa, phỏng vấn bảng câu hỏi các hộ gia đình để đánh giá nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, tác động của chúng và cách ứng phó của người dân địa phương. Báo cáo cũng trình bày một số giải pháp công trình và phi công trình mà chính quyền và nhân dân khu vực nghiên cứu đang triển khai áp dụng. Đồng thời khuyến cáo thêm một số giải pháp nên học tập ở các nước khác trên thế giới.

Theo đánh giá của Hội đồng, chất lượng các đề tài năm nay nhìn chung tốt, có sự đổi mới về chiều sâu trong nghiên cứu và khả năng ứng dụng. Hội đồng đánh giá cao chất lượng báo cáo, cũng như hàm lượng khoa học, tiến độ của 05 đề tài. Ban tổ chức hy vọng những lần tổ chức tới đây, số lượng đề tài sẽ ngày càng tăng về số lượng bài báo cáo cũng như số lượng sinh viên nghiên cứu.

Ánh Phượng, Bộ môn Tiếng Anh